Nguy cơ tiềm ẩn với ngân hàng, nợ xấu sẽ tăng trong thời gian tới

Nguy cơ tiềm ẩn với ngân hàng, nợ xấu sẽ tăng trong thời gian tới

Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 tới ngành ngân hàng là rất lớn, đặc biệt là nguy cơ tiềm ẩn trong tương lai. Ngành ngân hàng lại tiếp tục sẵn sàng tâm thế bước vào cuộc tái cơ cấu mới với mức độ phức tạp hơn rất nhiều.

Bên lề Hội nghị thường niên lần thứ nhất Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhiệm kỳ VII tổ chức ngày 15/7/2021 tại Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký – chia sẻ, dịch bệnh COVID-19 đã gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động của ngành Ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 tới ngành Ngân hàng là rất lớn, đặc biệt là nguy cơ tiềm ẩn trong tương lai. Theo số liệu hiện có, số nợ cơ cấu theo Thông tư 01/2020 và Thông tư 03/2021 là 347 nghìn tỷ đồng. Nhưng con số này khả năng sẽ còn lớn hơn.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, thời gian tới, sức khỏe của doanh nghiệp và nền kinh tế là hết sức khó khăn. Không chỉ riêng lĩnh vực giao thông vận tải, du lịch bị ảnh hưởng mà rất nhiều lĩnh vực khác cũng chịu tác động. Kể cả những đơn vị sản xuất kinh doanh có hiệu quả trước đây, dù có đơn hàng, có hợp đồng vẫn phải ngừng sản xuất kinh doanh, đóng cửa do công nhân bị nhiễm bệnh.

Nền kinh tế và doanh nghiệp bị ảnh hưởng chắc chắn sẽ tác động trực tiếp đến ngân hàng. Doanh nghiệp sẽ không có tiền để trả nợ vay ngân hàng, trong khi ngân hàng phải tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 03/2021 trong giai đoạn 3 năm.

Như vậy, chắc chắn nợ xấu của ngân hàng sẽ phát sinh và gia tăng trong thời gian tới. Cần phải nhìn nhận, nợ xấu giai đoạn này có nhiều điểm khác so với năm 2008, nguyên nhân gây ra không phải do yếu tố chủ quan mà là khách quan bởi dịch bệnh toàn cầu ảnh hưởng tới không chỉ Việt Nam mà cả ở toàn thế giới. Do đó, hậu quả của đại dịch chắc chắn sẽ rất nặng nề.

“Khi doanh nghiệp, khách hàng vay vốn không trả được nợ, ngân hàng sẽ ra sao? Chưa kể Nghị quyết 42 tới tháng 8/2022 sẽ hết hiệu lực, lúc đó việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ như thế nào? Nợ xấu của ngân hàng sẽ bị đánh giá, nhìn nhận ra sao?” – ông Hùng nêu vấn đề.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng cho biết: “Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã gồng mình lên để tái cơ cấu, đầu tư công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cắt giảm chi phí để hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp nhưng tới đây, khi nợ xấu phát sinh và phải đảm bảo đưa tỷ lệ nợ xấu về theo đúng quy định thì ai sẽ hỗ trợ ngân hàng?… Đây là những vấn đề đang đặt ra đối với hoạt động ngân hàng”.

Ông Hùng cho rằng, ngành Ngân hàng cũng đang rất cần sự cảm thông và chia sẻ khó khăn từ cơ quan quản lý và các đối tác. Tuy nhiên, trong bối cảnh các ngân hàng có trách nhiệm cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, miễn giảm lãi, phí… cho các khách hàng, thì ở góc độ khác, các doanh nghiệp viễn thông hay tổ chức thẻ quốc tế đều chưa có sự hỗ trợ cho ngân hàng trong việc giảm phí, dù phía ngân hàng đã nhiều lần có văn bản đề nghị.

Nếu không có dịch COVID-19, những kết quả khởi sắc ngành Ngân hàng đạt được là rất đáng trân trọng vì đã tái cơ cấu và từng bước xử lý nợ xấu thành công. Với việc đại dịch bùng phát như hiện nay, ngành Ngân hàng lại tiếp tục sẵn sàng tâm thế bước vào cuộc tái cơ cấu mới với mức độ phức tạp hơn rất nhiều.

PV

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị