Cổ phiếu Airbnb tăng gấp đôi trong ngày đầu tiên giao dịch

Cổ phiếu Airbnb tăng gấp đôi trong ngày đầu tiên giao dịch

Cổ phiếu Airbnb tăng vọt trong ngày ra mắt thị trường Nasdaq, đóng cửa ở mức 145 USD/cổ phiếu gấp đôi mức giá 68 USD mà công ty này đặt ra cho đợt phát hành lần đầu ra công chúng.

“Chúng tôi huy động tiền vào tháng 4, đó là một khoản vay nợ và định giá cổ phiếu khoảng 30 USD. Nhưng khi giá cổ phiếu tăng lên mức hiện tại, tôi không biết phải nói gì nữa”, Brian Chesky, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Airbnb nói với Bloomberg.

Ông này nói thêm rằng, giá cổ phiếu càng cao, kỳ vọng càng cao của nhà đầu tư, công ty sẽ làm việc khó khăn hơn.

Nền tảng cho thuê nhà ngắn hạn của Mỹ đang tỏ ra tự hào về triển vọng phát triển kinh doanh tại Châu Á. Phiên ra mắt vượt kỳ vọng phần lớn nhờ vào khả năng phục hồi của công ty trong thời kỳ đại dịch. Airbnb thực tế đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 cùng với các doanh nghiệp khác trong ngành du lịch. Tuy nhiên, công ty đã có lãi trong quý 3 sau khi cắt giảm mạnh chi phí và chuyển hướng sang thị trường nội địa.

Bắc Mỹ chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ nhất trong những tháng gần đây trong số các thị trường của Airbnb với việc các khách hàng đang tìm kiếm nhà thuê để nghỉ ngơi sau nhiều tháng làm việc tại nhà. Trong khi đó, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và các thị trường quốc tế khác không có nhiều sự phục hồi.

Năm 2020 diễn ra theo một kịch bản rất khác với kỳ vọng của Airbnb tại Châu Á, công ty này đã kỳ vọng vào thế vận hội Tokyo sẽ mang đến một làn gió mạnh mẽ.

Airbnb đã công bố quan hệ hợp tác lớn kéo dài tới 9 năm với Ủy ban Olympic Quốc tế để hỗ trợ về chỗ ở vào tháng 11 năm ngoái. “Chúng tôi đã xây dựng cho dài hạn tại Nhật Bản”, đại diện Airbnb nói khi thỏa thuận được công bố.

Tuy nhiên COVID-19 xuất hiện và thay đổi tất cả, ngành du lịch lâm vào tình trạng bế tắc và Thế vận hội bị trì hoãn. Airbnb công bố mức lỗ gần 700 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2020 so với mức lỗ 323 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.

Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương phục hồi chậm, trong 9 tháng đầu năm chỉ ghi nhận doanh thu 200 triệu USD, bằng 1/3 so với năm ngoái. Sự sụt giảm này khiến doanh thu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chỉ còn đóng góp 9% trong cơ cấu của Airbnb, so với 12% năm ngoái.

Khu vực này cũng xếp hạng thấp trong tổng giá trị đặt phòng mỗi đêm, trung bình thấp hơn 80 USD/ chưa bằng một nửa so với Bắc Mỹ. Châu Á – Thái Bình Dương cũng là khu vực có thời gian lưu trú trung bình trên mỗi đặt phòng ngắn nhất.

Tuy nhiên trong hồ sơ IPO, Airbnb dường như không bị lung lay với tham vọng của mình trong khu vực, được xem là thị trường tiềm năng nhất trong dài hạn. Châu Á – Thái Bình Dương dự kiến sẽ phát triển nhanh hơn Bắc Mỹ và Châu Âu tạo ra 1.500 tỷ USD từ các kỳ nghỉ và trải nghiệm ngắn – dài hạn.

“Chúng tôi có kế hoạch mở rộng mạng lưới toàn cầu của mình ở các quốc gia chúng tôi đã hiện diện sâu rộng, cũng như mở rộng sang các thị trường mà mức độ thâm nhập của chúng tôi thấp hơn chẳng hạn như Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ Latinh, Đông Nam Á và các thị trường nhỏ hơn, khu vực xa xôi trên toàn thế giới”, hồ sơ của Airbnb cho biết.

Đặc biệt, Trung Quốc đã, đang và sẽ là thị trường ưu tiên của Airbnb. Công ty cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào thương hiệu tại Trung Quốc Airbiying.

Yuichi Yamada, Trưởng nhóm nghiên cứu tại Japan Travel Bureau Foundation cho biết: “Thị trường Châu Á của Airbnb chắc chắn sẽ được mở rộng, dẫn đầu bởi thế hệ millennials và thế hệ Z”.

Hiện tại, nhiều người sử dụng dịch vụ chia sẻ nhà vì giá rẻ, nhưng những trải nghiệm độc nhất của họ cũng có thể là động lực lớn thôi thúc. Đây là một yếu tố mà Airbnb có khả năng tạo sự khác biệt với các đối thủ trong khu vực. Nhưng Yuichi cũng nói thêm rằng, việc vắc xin hiệu quả là vấn đề tiên quyết.

Nhưng thị trường trị giá 1.500 tỷ USD của Châu Á không phải dễ mà giành được. Bên cạnh đại dịch, gã khổng lồ du lịch Mỹ còn phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ địa phương, đặc biệt từ cái gọi là “siêu ứng dụng”.

Airbnb đã đề cập đến điều này trong bản cáo bạch. “Siêu ứng dụng” giúp người tiêu dùng có thể sử dụng nhiều dịch vụ trực tuyến mà không cần phải rời khỏi ứng dụng. Tại khu vực Châu Á, các giao dịch thương mại điện tử được thực hiện chủ yếu qua ứng dụng trên thiết bị di động.

Nếu bất kỳ siêu ứng dụng nào trong số đó quyết định cắt quyền truy cập của Airbnb hoặc quyết định tung ra các sản phẩm cạnh tranh của riêng họ, điều đó có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của công ty Mỹ trong khu vực.

Mối quan tâm của Airbnb là có cơ sở, Xiaozhu Rental, đối thủ hàng đầu của Airbnb tại Trung Quốc đã nhận được khoản đầu tư 120 triệu USD từ Yunfeng Capital, quỹ đầu tư mạo hiểu so Jack Ma đồng sáng lập. Kể từ khi đầu tư, Xiaozhu đã đạt được một số quan hệ đối tác với các ứng dụng liên kết của Alibaba, gồm Alipay (một siêu ứng dụng thanh toán do Ant Group sở hữu) để tận dụng hệ thống tín dụng trong việc đăng ký và thanh toán.

Mặc dù Alibaba không cho thấy ý định cắt đứt các đối thủ của Xiaozhu khỏi Alipay, nhưng chắc chắn Airbnb sẽ mất đi một phần doanh thu đáng kể tại Trung Quốc nếu họ không thể liên kết với ứng dụng thanh toán được sử dụng nhiều nhất tại quốc gia này.

Đông A

Theo Nhịp sống kinh tế