Dự báo lãi suất huy động thời gian tới
Áp lực tăng nhẹ lãi suất huy động, nếu có trong thời gian tới, sẽ nhằm cân bằng lợi ích của người gửi tiền với xu hướng đa dạng sang các kênh đầu tư.
Theo chứng khoán Vietcombank (VCBS), lãi suất huy động trong nửa đầu năm 2021 đã giảm 30 điểm và sau đó ổn định ở mặt bằng thấp. Theo quan sát của VCBS, lãi suất kỳ hạn ngắn tăng nhẹ 10-50 bps tại một số ngân hàng chỉ mang tính chất cục bộ, không phản ánh sự hình thành xu hướng tăng mới. Giai đoạn này, thông điệp NHNN tiếp tục nhất quán: kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào hoạt động kinh doanh, đầu cơ bất động sản. Định hướng chung là duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong diễn biến phức tạp.
Dự báo thời gian tới, nhóm phân tích của VCBS cho rằng lãi suất huy động có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ 10-20 điểm trong nửa cuối năm nay.
Cụ thể, xét từ góc độ vĩ mô thế giới, nỗ lực tiêm phòng vaccine trên toàn thế giới vẫn đang được tiến hành. Các quốc gia châu Âu hay Mỹ dù đã mở cửa trở lại, nhưng các Ngân hàng Trung Ương (NHTW) vẫn khá thận trọng, và chưa vội vã xem xét thay đổi chính sách tiền tệ nới lỏng.
Với bối cảnh chính sách tiền tệ trên thế giới vẫn là nới lỏng, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại Việt Nam có thể đi ngang trong thời gian tới. Áp lực tăng nhẹ, nếu có, nhằm cân bằng lợi ích của người gửi tiền với xu hướng đa dạng sang các kênh đầu tư.
Do đó, lãi suất huy động có thể tăng vào cuối năm khi ngân hàng thường đẩy mạnh cho vay. Đồng thời, doanh nghiệp và người dân có xu hướng rút tiền khỏi hệ thống, kéo theo áp lực huy động.
Trong khi đó, lãi suất cho vay sẽ còn dư địa giảm thêm tuy nhiên mức giảm sẽ không dàn trải trên toàn hệ thống. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đề nghị các ngân hàng giảm lãi suất với những mức cụ thể ngay trong tháng 7 để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.
Về lãi suất liên ngân hàng trong nửa đầu năm chịu áp lực tăng nhẹ nhưng vẫn ở mặt bằng thấp và cách xa lãi suất mua kỳ hạn qua OMO (2,5%/năm).
VCBS đánh giá, thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng nửa đầu năm không còn quá dồi dào khi các nguồn lực mới dự kiến chỉ có thể xuất hiện trên thị trường từ tháng 7 sau khi các hợp đồng mua ngoại tệ của NHNN đến hạn thực hiện. Cùng với đó, các lo ngại xung quanh lạm phát khiến nhà điều hành ưu tiên với mục tiêu ổn định lạm phát.
Tuy nhiên, trong nửa cuối năm, thanh khoản thị trường sẽ dồi dào trở lại khi dòng vốn tiếp tục lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư. Hợp đồng mua kỳ hạn ngoại tệ được hiện thực hóa vào tháng 7, kỳ vọng bổ sung thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, trong bối cảnh lo ngại diễn biến dịch biến phức tạp, các ngân hàng sẽ cần đánh giá nhiều hơn với các khoản giải ngân mới, đi kèm với khả năng nợ xấu có thể tăng trở lại.
Dù vậy, không loại trừ khả năng lãi suất chịu áp lực tăng xung quang các thời điểm yếu tố thời vụ và khi tăng trưởng tín dụng tăng trở lại. Bên cạnh đó, lãi suất liên ngân hàng phụ thuộc nhiều vào điều hành cũng như định hướng của NHNN trên thị trường mở thông qua hoạt động mua kỳ hạn và tín phiếu.
Như vậy, các yếu tố thị trường ủng hộ cho mặt bằng lãi suất liên ngân hàng có thể giảm nhẹ trở lại, tuy nhiên khó có thể duy trì ở mặt bằng thấp kỷ lục khi thanh khoản vẫn dồi dào, nhưng kém dư thừa so với cuối năm 2020.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị