Phó Chủ tịch UBCKNN: “Margin thị trường cuối tháng 5 hơn 112.000 tỷ đồng, mặt bằng chứng khoán đã lên cao, tạo ra rủi ro khi điều chỉnh”
Theo ông Phạm Hồng Sơn, TTCK Việt Nam trong thời gian tới vẫn phải đối mặt với những nguy cơ lớn. Ngoài ra, mặt bằng giá chứng khoán đã lên cao cũng tạo ra những rủi ro khi thị trường điều chỉnh.
TTCK Việt Nam vừa trải qua 5 tháng đầu năm “rực rỡ” với sự bứt phá mạnh của các chỉ số chứng khoán. Kết thúc phiên giao dịch 4/6, VN-Index đã lên mức 1.374 điểm, cao nhất trong lịch sử 21 năm thành lập và nằm trong top những chỉ số chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất Thế giới. Không chỉ tăng mạnh về điểm số, thanh khoản thị trường cũng tăng trưởng ngoạn mục với hàng loạt phiên giao dịch “tỷ đô” nhờ sự gia nhập mạnh mẽ của lớp nhà đầu tư mới.
Ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Ủy Ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có những chia sẻ về tình hình thị trường hiện nay.
Mặt bằng chứng khoán đã lên cao, tạo ra rủi ro khi điều chỉnh
Thưa ông, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam duy trì đà tăng trưởng rất ấn tượng từ đầu năm đến nay. Ông cho biết cụ thể hơn về diễn biến của TTCK từ đầu năm tới nay? Thị trường đã có dấu hiện tăng trưởng “nóng” chưa, thưa ông?
Ông Phạm Hồng Sơn: Tiếp nối xu hướng của năm 2020, TTCK Việt Nam duy trì xu hướng tăng trưởng rất mạnh mẽ từ đầu năm đến nay. Như chúng ta đã biết, kết thúc quý I/2021, chỉ số VN-Index tăng tới 79,83% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 7,93% so với cuối năm 2020. Thanh khoản trong quý đầu năm cũng tăng tốt, riêng trên sàn HOSE đã đạt khoảng 15,5 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng khoảng 300% so với cùng kỳ.
Đà tăng này của thị trường vẫn được duy trì rất tốt trong hai tháng đầu quý II. Đặc biệt là trong tháng 5, thị trường cổ phiếu có sự bứt phá mạnh mẽ, đạt mức cao kỷ lục về cả chỉ số, quy mô và thanh khoản.
Theo đó, tính đến ngày 31/5/2021, chỉ số VN-Index đạt 1.328,05 điểm, tăng 7,2% so với cuối tháng trước và tăng 20,3% so với cuối năm 2020. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 317,85 điểm, tăng 12,8% so với cuối tháng trước và tăng 56,5% so với cuối năm 2020.
Về quy mô giao dịch, trong tháng 5/2021, giá trị giao dịch bình quân đạt 26.178 tỷ đồng/phiên, tăng 16% so với tháng kế trước. Tính chung từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 21.214 tỷ đồng/phiên, tăng 185,9% so với bình quân năm trước. Tính đến cuối tháng 5/2021, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6.440 nghìn tỷ đồng, tăng 21,7% so với cuối năm 2020, tương đương 102,3% GDP.
Cùng với thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu chính phủ, thị trường phái sinh cũng ghi nhận diễn biến rất tích cực. Từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân trái phiếu chính phủ đạt 11.574 tỷ đồng/phiên, tăng 11,4% so với năm 2020. Còn trên TTCK phái sinh, tính chung từ đầu năm đến nay, khối lượng giao dịch bình quân đạt 182.654 hợp đồng/phiên, tăng 16% so với bình quân năm trước.
TTCK hấp dẫn đã thu hút sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư mới. Trong tháng 5, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 113.674 tài khoản chứng khoán – đây là con số mở mới kỷ lục từ trước tới nay. Lũy kế 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới 480.490 tài khoản chứng khoán, vượt 20% số lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020. Tới cuối tháng 5, số tài khoản chứng khoán trên thị trường Việt Nam ở mức hơn 3,25 triệu tài khoản, tương đương 3,2% tổng dân số.
Nhờ đà tăng trưởng như vậy, TTCK Việt Nam tiếp tục nằm trong Top thị trường có mức tăng trưởng tốt nhất khu vực và thế giới trong 5 tháng đầu năm.
Đà tăng này được hỗ trợ từ nhiều yếu tố vĩ mô cả trong nước và ngoài nước. Việt Nam đã hoàn thành được mục tiêu kép, trong đó, kinh tế năm 2021 được đánh giá là có cơ hội phục hồi cao. Cùng với đó, lãi suất tiết kiệm thấp đã góp phần tăng sức mua trên thị trường. Trong 05 tháng đầu năm có hơn 482.000 tài khoản được mở mới, cũng là số kỷ lục từ trước tới nay. Mặt khác, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp rất khả quan, riêng năm năm 2020 ghi nhận 87,1% doanh nghiệp báo lãi. Bên cạnh đó, hầu hết TTCK thế giới đã tăng điểm và hồi phục tích cực cũng góp phần hỗ trợ cho đà tăng của TTCK trong nước.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của TTCK trong nước cho thấy sức hấp dẫn rất lớn đối với nhà đầu tư, tuy nhiên, điều đó cũng đặt ra áp lực lớn cho cơ quan quản lý, cũng như vấn đề rủi ro khi mặt bằng giá đã lên mức cao. Với vai trò của cơ quan quản lý, ông có chia sẻ gì về rủi ro của thị trường hiện nay?
Ông Phạm Hồng Sơn: TTCK tăng trưởng là một tín hiệu cho thấy vai trò huy động vốn trung, dài hạn và là “hàn thử biểu” của nền kinh tế Việt Nam nói chung và sức hấp dẫn, tiềm năng của TTCK nói riêng.
Tuy nhiên, việc TTCK duy trì đà tăng mạnh và dài như thời gian qua đã và đang đặt ra nhiều thách thức, áp lực hơn cho cả cơ quan quản lý, các thành viên thị trường. Điều chúng tôi quan tâm nhất trong bối cảnh hiện nay không hẳn chỉ là mức độ tăng trưởng của thị trường, mà quan trọng hơn là duy trì sự ổn định và bền vững của thị trường.
Chính vì vậy, bên cạnh những điểm tích cực, TTCK cũng đang đối diện với không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi chúng ta phải nhận diện để đưa ra các giải pháp thích hợp.
Theo đó, TTCK Việt Nam trong thời gian tới vẫn phải đối mặt với những nguy cơ lớn. Đầu tiên là đại dịch Covid-19 kéo dài trên toàn cầu sẽ vẫn là nguy cơ lớn nhất. Vì vậy, diễn biến của TTCK về trung và dài hạn phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam cũng như mức độ hồi phục của nền kinh tế trong nước, quốc tế. Ngoài ra, mặt bằng giá chứng khoán đã lên cao cũng tạo ra những rủi ro khi thị trường điều chỉnh.
Margin thị trường cuối tháng 5 đạt 112,1 nghìn tỷ đồng, tăng gần 11 nghìn tỷ so với cuối quý 1
Dòng tiền vào thị trường rất mạnh, bên cạnh các dòng tiền mới, thì không thể không nhắc tới dòng tiền từ cho vay ký quỹ (margin) từ các công ty chứng khoán cũng đang ở mức kỷ lục. Ông đánh giá thế nào về dòng tiền trên thị trường nói chung và dòng tiền margin nói riêng?
Ông Phạm Hồng Sơn: Như đã thông tin, thanh khoản của TTCK Việt Nam liên tiếp lập kỷ lục trong thời gian qua. Đến thời điểm này, có lẽ chúng ta sẽ không còn quá bất ngờ với những phiên thanh khoản “tỷ USD”. Dòng tiền vào TTCK bằng nhiều kênh khác nhau, và chủ yếu đến từ dòng tiền của nhà đầu tư trong nước. Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế vĩ mô, công tác phòng chống dịch hiệu quả, mặt bằng lãi suất thấp, nhiều kênh đầu tư kém hấp dẫn hơn,…là những nguyên nhân chính giúp dòng tiền tìm đến với TTCK thời gian qua. Chính vì thế, dòng tiền vào TTCK gia tăng không chỉ đến dòng tiền margin.
Tuy vậy, theo thống kê, dư nợ margin đã liên tục tăng trong thời gian qua. Tính tới thời điểm ngày 31/5/2021, dư nợ margin toàn thị trường đã đạt 112,1 nghìn tỷ đồng, tăng 31,2 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2020 và tăng 10,7 nghìn tỷ so với cuối quý I/2021. Thời gian gần đây, một số công ty chứng khoán đã có dấu hiệu cho vay margin chạm trần (không gấp 2 lần vốn chủ sở hữu). Chúng tôi cho rằng, việc thị trường tăng trưởng mạnh nên dư nợ margin tăng cũng là điều dễ lý giải. Nhiều công ty chứng khoán cũng đã chủ động và đang triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ, phát hành tăng vốn để có nguồn phục vụ như cầu cho vay thời gian tới.
Chúng tôi cho rằng, mặc dù dư nợ margin vẫn trong khả năng kiểm soát, tuy nhiên, việc con số này tăng liên tục và dự báo sẽ còn tăng nữa thì đúng là cần tăng cường thanh tra, giám sát để đảm bảo việc cho vay margin là đúng pháp luật, an toàn cho công ty chứng khoán và an toàn bền vững cho dòng tiền trên TTCK.
Trên thực tế, ngày 28/5/2021, UBCKNN cũng đã có văn bản gửi các công ty chứng khoán để rà roát, củng cố hoạt động trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Theo đó, cơ quan quản lý yêu cầu các công ty chứng khoán tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch, tăng cường công nghệ thông tin, làm trực tuyến, chủ động phương án kinh doanh để đảm bảo cung cấp dịch vụ thông suốt trong mọi tình huống. Đặc biệt hơn, tại văn bản này, UBCKNN đã yêu cầu các công ty chứng khoán tuyệt đối “thượng tôn pháp luật”, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật chứng khoán và các quy định pháp luật liên quan.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường giám sát từ xa, kiểm tra, thanh tra trực tiếp, trong đó sẽ bao gồm các công tác huy động vốn, cho vay ký quỹ, cũng như việc đảm bảo an toàn các chỉ tiêu tài chính của các công ty chứng khoán. Trong trường hợp phát hiện hành vi sai phạm, cơ quan quản lý sẽ xử lý nghiêm, đảm bảo tính kỷ cương và kỷ luật thị trường.
Đảm bảo hệ thống giao dịch an toàn, thông suốt là nhiệm vụ ưu tiên
Một vấn đề khác cũng đặc biệt được thị trường quan tâm trong thời gian qua đó là việc xử lý nghẽn lệnh trên HOSE. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?
Ông Phạm Hồng Sơn: Hệ thống giao dịch trên HOSE đã xảy ra từ cuối năm 2020 và đến nay vẫn là một vấn đề quan trọng được toàn ngành đặc biệt quan tâm. Với nhiều giải pháp cấp bách được triển khai như tăng lô từ 10 lên 100, chuyển giao dịch tự nguyện, dừng giao dịch cổ phiếu niêm yết mới trên HOSE và nhất là cải biến kỹ thuật,… đã giúp hệ thống hoạt động khá ổn định trong thời gian qua.
Tuy nhiên, trong những phiên cuối tháng 5, đầu tháng 6, khi thanh khoản và lượng lệnh vào thị trường tăng đột biến, đã khiến hiện tượng nghẽn lệnh tái diễn thậm chí xuất hiện rủi ro lớn đối với hệ thống giao dịch của Sở HSX, buộc HOSE phải chủ động ngừng giao dịch phiên chiều 01/6 để đảm bảo an toàn cho toàn hệ thống. Đến nay hệ thống đã trở lại hoạt động bình thường, có tiến triển tốt khi HOSE và các thành viên công ty chứng khoán cũng nỗ lực đưa ra giải pháp mới.
Song song công việc đối với hệ thống hiện tại, HOSE và các đơn vị liên quan cũng đã tích cực triển khai đồng thời hệ thống giao dịch phối hợp với FPT và hệ thống công nghệ thông tin cho toàn thị trường KRX. Tất cả công tác vẫn tiến hành khẩn trương, đảm bảo đúng tiến độ, lộ trình. Hệ thống phối hợp FPT đã vào giai đoạn kiểm thử diện rộng sẽ xử lý vấn đề nghẽn lệnh.
Tuy nhiên, từ nay đến khi hệ thống phối hợp với FPT xây dựng đi vào vận hành, việc đảm bảo cho hệ thống hiện tại của HOSE giao dịch không bị gián đoạn vẫn là ưu tiên hàng đầu. Đây là công tác được Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm và Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng đã có chỉ đạo quyết liệt. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổ công tác xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh, các đơn vị liên quan đã họp để vừa tiến hành ra soát vừa đưa ra các giải pháp cấp bách sẽ áp dụng khi cần thiết, nhằm đảm bảo tốt nhất có thể cho hệ thống giao dịch hiện tại của HOSE.
Vậy đâu là giải pháp mà cơ quan quản lý đưa ra để đảm bảo cho thị trường hoạt động ổn định trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Phạm Hồng Sơn: Về phía cơ quan quản lý, thứ nhất, UBCKNN tổ chức tuyên truyền tập huấn cho các thành viên thị trường về Luật Chứng khoán 2019 mới và các văn bản hướng dẫn, đồng thời hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường chứng khoán, xây dựng chiến lược chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021 – 2030, tiếp tục tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động thị trường, yêu cầu các thành viên thị trường phải tuân thủ quy định pháp luật và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để thị trường chứng khoán phát triển một cách minh bạch và bền vững.
Thứ ba, tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để đảm bảo hệ thống giao dịch được thông suốt, đồng thời phải đưa bằng được hệ thống do FPT xây dựng vào sử dụng vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 này để giải quyết dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh tại HOSE.
Về phía nhà đầu tư, chúng tôi mong rằng, cộng đồng nhà đầu tư cần tăng mức độ cẩn trọng, đặc biệt là quản trị rủi ro khi lựa chọn danh mục đầu tư. Cùng với đó, như đã chia sẻ ở trên, những yếu tố rủi ro vĩ mô đó cần được theo dõi kỹ lượng, đánh giá sâu kỹ, bởi chúng ta biết TTCK sẽ rất nhạy cảm với những biến động vĩ mô, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh tác động như hiện nay.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị