Tiền VND đang tăng giá so với USD
6 tháng đầu năm 2021, VND lên giá so với USD trong khi hầu hết các đồng tiền trong khu vực đều giảm giá (THB -6,9%; INR –1,7%; SGD -1,8%; PHP-1,6%…).
Bộ phận phân tích chứng khoán SSI (SSI Research) vừa có báo cáo thị trường tiền tệ tuần qua (28/6-2/7).
Tuần qua, tỷ giá USD/VND niêm yết của các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng 20 đồng/USD chiều mua vào và giảm 10 đồng/USD chiều bán ra, ở mức 22.900 – 23.100 đồng/USD; mức chênh lệch giữa tỷ giá ban- tỷ giá mua giảm về 200 đồng/USD – mức thấp nhất kể từ 3/2020 đến nay. Tỷ giá tự do tăng 20 đồng/USD chiều mua vào và 40 đồng/USD chiều bán ra, lên mức 23.300 – 23.350 đồng/USD.
Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2021, VND đã lên giá 0,4% so với USD trong khi hầu hết các đồng tiền trong khu vực đều giảm giá (THB -6,9%; INR –1,7%; SGD -1,8%; PHP-1,6%…).
Theo SSI, hiện tại, dòng kiều hối và giải ngân FDI vẫn khá tích cực nên đủ để bù đắp cho thâm hụt cán cân thương mại hàng hóa, tín dụng ngoại tệ cũng tăng cao nên cung cầu ngoại tệ vẫn khá cân bằng. Tình trạng cán cân thương mại hàng hóa nửa đầu năm 2021 có thể mang tính chất mùa vụ, một phần do giá cả hàng hóa tăng gần đây và sẽ cải thiện trong nửa cuối năm 2021.
Nhóm phân tích đánh giá, tỷ giá USD/VND sẽ vẫn ổn định trong dài hạn nhưng có thể dao động theo diễn biến của đồng USD trên thị trường quốc tế trong ngắn hạn.
Đồng USD tuần qua tăng giá trở lại trên thị trường quốc tế, chỉ số DXY dao động trong vùng từ 92-92,6. Các đồng tiền chủ chốt đều mất giá so với USD (EUR -0,59%; GBP -0,4%; CHF – 0,39%; JPY -0,27%; CNY – 0,26%).
Đồng USD tăng giá khi thị trường Mỹ đón nhận các thông tin khá tích cực về thị trường việc làm (số việc làm mới khu vực tư nhân tăng, số đơn trợ cấp thất nghiệp giảm), chỉ số PMI tháng 6 duy trì ở mức cao (62,1), chỉ số niềm tin người tiêu dùng vượt dự báo. Trong khi đó, châu Á vẫn đang vật lộn với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, châu Âu cũng đang đối mặt với nguy cơ làn sóng dịch bệnh trở lại với chủng virus mới Delta Plus.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị