Toàn cảnh drama khiến giới tiền số chao đảo, “đế chế” lớn nhất nhì thị trường giờ có thể chỉ đáng giá 1 USD
Thị trường tiền số vừa trải qua những ngày hỗn loạn, khi thỏa thuận thâu tóm FTX từ Binance đổ bể và giá trị hàng loạt đồng tiền số lao dốc.
Hôm 8/11, sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới là Binance đã thông báo kế hoạch mua lại đối thủ FTX.com. Tuy nhiên, ngay sau đó 1 ngày, Binance lại “quay xe”, nêu lý do là các vấn đề tài chính cũng như rắc rối liên quan đến cuộc điều tra quy định của FTX.
Quyết định từ bỏ thương vụ này càng khiến đà lao dốc trên thị trường tiền số trở nên căng thẳng hơn, khi Bitcoin đã rơi xuống mức thấp nhất trong 2 năm, về sát mức 15.500 USD trong ngày 10/11.
Dù tiền số chỉ như một góc nhỏ của thị trường tài chính, nhưng thương vụ đổ bể của 2 ông lớn trong ngành này đã gây xáo trộn cho hệ sinh thái tiền số và có khả năng gây hậu quả khôn lường.
Binance và FTX là gì?
Đây là 2 trong số các sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới, nơi nhà đầu tư mua, bán và lưu trữ các đồng tiền số. Binance hiện là sàn giao dịch tiền số lớn nhất tính theo khối lượng giao dịch và FTX cũng nằm trong top 5, theo CoinMarketCap.
Ai vận hành 2 sàn này?
Binace và FTX được vận hành bởi 2 trong số những nhân vật có tiếng nhất trong giới tiền số đó là Changpeng Zhao (CZ) và Sam Bankman-Fried (SBF).
SBF là từng là trader tại Jane Street. Cách đây vài tuần, người đàn ông tóc xoăn 30 tuổi này vẫn là “ông lớn” trong giới tiền số, hậu thuẫn các dự án lớn như BlockFi, Voyager Digital và Celsius. Ông nhận được vốn đầu tư từ những quỹ lớn như Vision Fund, Temasek và Ontario Teachers’ Pension Plan.
Còn CZ là một người Canada gốc Hoa, ông đến Vancouver năm 12 tuổi và tốt nghiệp ngành khoa học máy tính tại Đại học McGill ở Montreal. Ông sáng lập Binance vào năm 2017 ở Thượng Hải, nhưng chính phủ Trung Quốc lại cấm hoạt động giao dịch tiền số trong cùng năm. Hiện tại, CZ làm việc ở Dubai.
FTX và Binance gặp những vấn đề gì?
Năm 2019, Binance đã đầu tư vào FTX và một sàn giao dịch phái sinh. Sang năm tiếp theo, Binance đã cho ra mắt sản phẩm tiền số phái sinh của riêng mình và nhanh chóng trở thành công ty dẫn đầu trong lĩnh vực này.
Căng thẳng bắt đầu leo thang khi Binace và FTX có những bất đồng với các cơ quan quản lý. SBF khi đó phải điều trần trước Quốc hội Mỹ, còn Binance lại phải đối mặt với cuộc điều tra về quy định trên khắp thế giới. 2 công ty này cũng là đối thủ trong cuộc đấu thầu mua lại tài sản của Vogager Digital và FTX sau đó giành phần thắng.
Trong nhiều tháng, CZ và SBF đã trở thành những cái tên thịnh hành trên Twitter, với nhiều vấn đề từ vận động hành lang cho đến những cáo buộc về gian lận trong giao dịch.
Giới tiền số vừa gặp chuyện gì?
Tuần trước, CZ chia sẻ trên Twitter rằng Binance sẽ thanh lý khoản nắm giữ đồng tiền số có tên FTT được phát hành bởi FTX. Dòng tweet này được đăng tải sau khi CoinDesk thông báo Alameda Research – một nhà tạo lập thị trường do SBF sở hữu, sở hữu một số lượng lớn tài sản là đồng FTT.
Thông báo này làm dấy lên những vấn đề về tình trạng của FTX và các nhà đầu tư bắt đầu rút tiền. Đồng FTT sau đó sụt giá mạnh. 1 ngày trước khi đạt thỏa thuận với Binance, SBF đã đăng tải trên Twitter rằng các tài sản trên FTX đều “ổn” và “một đối thủ cạnh tranh đang cố gắng gây khó dễ cho chúng tôi khi phát tán tin đồn sai lệch.”
Đến ngày 8/11, CZ thông báo về kế hoạch tiếp quản FTX và quá trình thẩm định sẽ diễn ra “trong vài ngày tới”. Song, ngày 9/11 (giờ New York), Binance lại cho biết họ sẽ rút khỏi thỏa thuận và các vấn đề của FTX nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Các giám đốc điều hành của Binance phát hiện ra chênh lệch giữa nợ phải trả và tài sản của FTX có thể lên tới hơn 6 tỷ USD.
Chưa dừng ở đó, các cơ quan quản lý của Mỹ đang cân nhắc việc điều tra liệu FTX có xử lý các khoản tiền của nhà đầu tư theo đúng quy tắc hay không, cũng như mối quan hệ của công ty với các thành phần khác trong đế chế tiền số của SBF.
Thị trường sẽ bị tác động như thế nào?
Trước những diễn biến bất ngờ như vậy, các nhà đầu tư phải đối mặt với những bất ổn, lo ngại rằng vấn đề của FTX cũng như SBF sẽ tạo ảnh hưởng lớn đến cả ngành. Đồng FTT đã giảm hơn 40% vào ngày 9/11, sau khi đã mất 70% ở phiên hôm trước. Hầu hết các đồng tiền số khác cũng bị bán tháo, kể cả Bitcoin.
Còn đối với người dùng của FTX, thì mọi thứ vẫn chưa rõ ràng. Những khách hàng lo ngại về tương lai của sàn này đã rút số Bitcoin trị giá 430 triệu USD chỉ trong 4 ngày.
CZ và SBF chịu ảnh hưởng như thế nào?
Đây là “cú lùi” lớn đối với SBF, người trước đây được coi là một trong những cá nhân thành công nhất của ngành tiền số. Theo Bloomberg Billionaires Index, 53% cổ phần của SBF trong FTX trị giá khoảng 6,2 tỷ USD trước thông báo tiếp quản của Binance đưa ra hôm thứ Ba. Alameda Research cũng “đóng góp” 7,4 tỷ USD vào khối tài sản của ông.
Bloomberg Billionaires Index dự đoán, các nhà đầu tư hiện tại của FTX – bao gồm cả SBF, sẽ chứng kiến toàn bộ tài sản “bốc hơi” sau khi Binance tiếp quản. Cả FTX và Alemeda cuối cùng sẽ chỉ có giá trị 1 USD. Theo đó, tài sản khoảng 15,6 tỷ USD của SBF sẽ giảm xuống 1 tỷ USD. 94% là mức sụt giảm tài sản trong 1 ngày lớn chưa từng có trong danh sách tỷ phủ của Bloomberg.
Ngay cả sau khi thương vụ thâu tóm bất thành, CZ vẫn giữ vị thế là người giàu nhất trong giới tiền số. Dù tài sản giảm 84% nhưng ông vẫn nắm giữ 14,9 tỷ USD.
Mới đây, SBF đã thông báo với các nhà đầu tư của FTX rằng công ty đang rất cần tiền mặt, nếu không sẽ phá sản. Theo Bloomberg, dù FTX có thể sống sót sau cuộc khủng hoảng này hay không, thì toàn bộ thị trường tiền số đều phải đối mặt với những tác động sâu sắc.
Tham khảo Bloomberg
Nhịp sống thị trường